Cách ứng xử với trẻ nhạy cảm trong giai đoạn khủng hoảng tuổi 2 – 3?

Khóc cũng là một cách để trẻ bộc lộ cảm xúc, khóc có nhiều lí do. Đầu tiên, bố mẹ cần chấp nhận cảm xúc của trẻ: “Con buồn à”, “Con sợ à”, “Con cảm thấy mất bình tĩnh à”. Khi trẻ cảm thấy mình được đồng cảm thì trẻ mới sẵn sàng chia sẻ. 

Muốn điều chỉnh được ai đó thì trước hết mình cần kết nối với họ. Mạnh mẽ là kết quả cuối cùng, nhưng quan trọng là quá trình bố mẹ sẽ đồng hành với con như thế nào để con không còn sợ hãi, không còn nhút nhát, không còn lúng túng. Khi con cảm thấy yên tâm thì con cảm thấy dựa được vào sức mạnh tinh thần của bố mẹ và từ đó xây dựng sức mạnh tinh thần của chính bản thân mình. Dần dần bố mẹ tìm hiểu ra con cần gì, từ đồng cảm sẽ tìm ra nguyên nhân, để từ đó con có thể tránh được những nguy hiểm thực sự. 

Đối với những bạn khi người lớn nói to một chút đã khóc, thì thường đó là những em bé nhạy cảm hơn, thường đó là những em bé thông minh. Đầu tiên bố mẹ nghĩ con mình là một bạn nhỏ thông minh để tạo cho mình những suy nghĩ tích cực. Bố mẹ hiểu được nguyên nhân là nói to một chút con sẽ giật mình, thì bố mẹ sẽ hỏi con là “Mẹ nói to làm con sợ à, thế mẹ nói như thế này được chưa?”. Như vậy con được lựa chọn âm lượng giọng nói của mẹ. Vậy các con sẽ sử dụng âm lượng nhẹ nhàng trong nhà, sẽ tạo nên những đứa trẻ rất lịch thiệp.

Trong trường hợp cháu đã 2,5 tuổi nhưng chưa chịu xúc ăn, lúc nào bố mẹ hoặc cô giáo xúc cho thì mới ăn, còn không sẽ không ăn thì nên làm thế nào? Trẻ trong độ tuổi này cũng rất nhạy cảm với quy luật nhân quả. Trẻ không xúc ăn mà vẫn được ăn thì con sẽ không xúc ăn nữa. Bố mẹ hãy thử một vài lần không xúc cho con xem con sẽ ứng xử như thế nào. Bố mẹ cũng cần quan sát, điều chỉnh, tất nhiên không để đến lúc con quá đói nhưng cần để cho con hiểu ra một quy luật mới, đó là: Nếu mình không tự xúc lấy thì thức ăn không thể vào miệng mình được

Tùy mỗi bạn mà bố mẹ có sự kiên định khác nhau. Có bạn nhận ra và thay đổi thói quen luôn, nhưng có bạn thì lâu hơn. Bố mẹ thử con thì con cũng thử bố mẹ, như vậy tùy thời gian kiên định của mỗi bạn mà bố mẹ có sự tương tác nhanh hay lâu hơn.

Tags

Leave a comment