Làm thế nào để trẻ nói tiếng Anh tự tin hơn?

Hầu hết các giáo viên tiếng Anh kể cả giáo viên bản xứ đều đồng ý rằng, không dễ dàng để tổ chức các hoạt động luyện nói tiếng Anh trong các lớp học tiếng Anh trẻ em. Không chỉ bới vốn từ vựng của các lớp tiếng Anh trình độ tiền tiểu học và tiểu học còn chưa nhiều, mà việc để trẻ nhỏ làm quen với giao tiếp bằng ngôn ngữ thứ hai cũng không kém phần thách thức. Sau đây là một vài mẹo khuyến khích trẻ nói tiếng Anh tự tin hơn mà giáo viên nên thử.

1. Tạo một môi trường luyện nói an toàn

Môi trường an toàn ở đây có nghĩa là tạo nên bầu không khí thoải mái và tích cực để trẻ sẵn sàng luyện nói và không cảm thấy sợ khi nói sai. Để làm điều này, giáo viên cần đặt ra một vài quy định cho lớp học tiếng Anh, ví dụ như yêu cầu các em học sinh không trêu chọc nếu như bạn bè chưa thể nói thành thạo. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần thường xuyên đưa những lời khen, và phản hồi tích cực cho trẻ kể cả khi trẻ mắc lỗi. Hãy để trẻ cảm nhận được việc nói sai là điều bình thường và mạnh dạn nói tiếng Anh nhiều hơn.

2. Tổ chức nhiều hoạt động luyện nói thú vị

Giáo viên có thể tổ chức các hoạt động luyện nói tiếng Anh thông qua trò chơi để khuyến khích trẻ nói và khuấy động lớp học. Một trò chơi cơ bản có thể là trò Simon Says, hay sử dụng Conversation Prompts (gợi ý cho hội thoại). Giáo viên cũng có thể chọn các trò chơi theo từng chủ đề, sự kiện như Ngày của Mẹ, Halloween, Giáng Sinh. Hãy khuyến khích trẻ nói các câu đơn và sau đó là hội thoại dài hơn, đừng cố gắng áp lực trẻ phải nói thật nhiều cùng lúc. Để trẻ tận hưởng thời gian nói tiếng Anh trong khi tham gia trò chơi là cách hiệu quả để trẻ luyện nói tự nhiên nhất.

3. Sáng tạo hoạt động dựa trên sở thích

Bạn cũng có thể chia lớp học thành từng nhóm nhỏ với các trẻ có cùng sở thích, ví dụ như nhóm bóng đá, nhóm âm nhạc hay nhóm phim ảnh. Với mỗi nhóm, giáo viên sáng tạo các chủ đề nói phù hợp và tổ chức hoạt động luyện nói. Trẻ sẽ trở nên hứng thú và nói nhiều hơn khi được tham gia những hội thoại về sở thích của bản thân. Đây cũng là cách để trẻ thoải mái trao đổi tiếng Anh với bạn bè cùng lớp.

4. Hỏi nhiều câu hỏi

Mô-tuýp giáo viên hỏi và học sinh trả lời là phương pháp luyện nói quen thuộc. Khi trẻ bắt đầu nói về một chủ đề, hãy hỏi trẻ thật nhiều các câu hỏi mở sử dụng what, how và why. Đây là các cấu trúc câu khuyến khích trẻ đi sâu vào nội dung câu trả lời thay vì chỉ trả lời “yes” hay “no”. Mỗi giờ học nói, giáo viên cần chuẩn bị danh sách các câu hỏi liên quan đến chủ đề để đưa ra gợi ý cho trẻ luyện nói tiếng Anh. Giáo viên có thể khuyến khích các học sinh đặt câu hỏi cho nhau hay sáng tạo những câu hỏi thú vị, ví dụ như “do you believe in magic and why?” (Bạn có tin vào phép thuật không và tại sao?).

5. Để trẻ tự sửa lỗi

Một hoạt động khác đó là để trẻ tự mình sửa lỗi khi nói tiếng Anh. Để tổ chức hoạt động này, giáo viên có thể khuyến khích trẻ ngồi theo cặp và một học sinh nói trong khi học sinh còn lại lắng nghe và đóng góp nếu mắc lỗi. Cùng với đó, giáo viên có thể chuẩn bị những bài tập sửa lỗi sai và để học sinh đọc sau đó nói lại câu cho đúng. Để hoạt động thú vị hơn, giáo viên cũng nên cân nhắc lồng ghép các video hội thoại tiếng Anh khi trẻ có thể nhận biết lỗi sai và lặp lại đoạn hội thoại đúng. Hoạt này không chỉ giúp trẻ luyện nói mà còn tăng cường kỹ năng nghe tiếng Anh hiệu quả. Cuối hoạt động, giáo viên hãy cùng học sinh ôn lại những cấu trúc ngữ pháp và phát âm rút ra từ lỗi sai trong bài.

Leave a comment