Phương pháp Montessori được phát triển bởi bác sĩ Maria Montessori vào năm 1907 tại Italy, là một trong những phương pháp giáo dục trẻ từ 0-6 tuổi nổi tiếng và phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Phương pháp Montessori chấp nhận sự duy nhất của mỗi trẻ và cho phép trẻ phát triển tuỳ theo những khả năng và thời gian riêng của mình. Do đó việc tổ chức các lớp học theo mô hình Montessori phải đảm bảo sự tôn trọng tính riêng biệt của mỗi trẻ, cách bố trí phòng học và bài học phù hợp giai đoạn nhạy cảm của từng trẻ về vận động tinh, vận động thô, giác quan, ngôn ngữ, cái khái niệm về số…
Các đặc điểm của phương pháp Montessori?
TRẺ ĐƯỢC TỰ CHỌN HOẠT ĐỘNG RIÊNG, ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN TẬP TRUNG VÀ CÁ NHÂN:
Trẻ được tự chọn hoạt động yêu thích và phát triển theo đúng nhịp độ riêng đó của trẻ, phù hợp với sự nhạy cảm của trẻ ở từng thời điểm. Không có giáo trình giống nhau hay cách đánh giá chung cho cả lớp. Trong suốt quá trình tự học tập thông qua học cụ và hoạt động riêng của mình, trẻ sẽ không bị ngắt quãng, làm phiền. Giáo viên sẽ là người quan sát, và chỉ hỗ trợ khi trẻ cần. Con sẽ được tập trung 100% quá trình làm việc của mình, phát triển và rèn luyện sự tập trung trong độ tuổi mầm non.
HỌC CỤ LÀ CÔNG CỤ HỌC TẬP CHÍNH:
Trong quá trình làm việc với trẻ em, bà Maria Montessori nhận ra rằng trẻ em hoàn toàn bị cuốn hút bởi các vật dụng và chất liệu được thiết kế để trợ giúp sự cảm nhận của giác quan. Vì thế, bà đã phát triển những học cụ dạy học chuyên biệt để tạo ra một môi trường thích hợp cho trẻ. Các đồ vật đó được gọi là học cụ, chứ không phải đồ chơi. Các học cụ Montessori rất nhiều, chi tiết và cầu kì, được tạo ra nhằm mục đích giúp trẻ học hỏi các vấn đề đa dạng từ địa lí, toán học…. Tất cả các học cụ đều được thiết kế ẩn chứa một bài học nào đó, trẻ sẽ tự mày mò, khám phá cho đến khi tự tìm ra cách sử dụng đúng của học cụ đó và bài học ẩn sau đó.
GIÁO VIÊN LÀ NGƯỜI HỖ TRỢ:
Trong lớp học, giáo viên đóng vai trò như người hỗ trợ hơn là người giảng dạy. Giáo viên sẽ cho phép trẻ tự chọn hoạt động yêu thích của mình và làm hoạt động đó. Khi trẻ gặp khó khăn, giáo viên sẽ hỗ trợ trẻ. Hình ảnh thường gặp nhất trong một lớp học Montessori là mỗi trẻ một góc hoạt động, say sưa với hoạt động riêng của mình và không bị làm phiền, ngắt quãng trong suốt quá trình làm việc. Maria Montessori cho rằng chính sự tập trung làm việc đó là cách trẻ tự học hỏi tốt nhất và nhớ lâu nhất.
LỚP HỌC NHƯ MỘT XÃ HỘI THU NHỎ:
Lớp học Montessori bao gồm các học sinh khác độ tuổi học cùng nhau, là một môi trường xã hội tự nhiên bao gồm các lứa tuổi khác nhau. Thông thường các bé từ 0-3 tuổi học một lớp và từ 3-6 tuổi học một lớp. Maria Montessori cho rằng các bé khác tuổi nhau sẽ có thể hỗ trợ nhau tốt hơn, học hỏi từ nhau. Những em bé nhỏ tuổi sẽ nhìn các anh chị lớn để tưởng tượng ra tương lai của mình, bên cạnh đó còn hình thành các cảm xúc ngưỡng mộ, yêu mến với các anh chị. Ngược lại, các anh chị lớn có thể như một người trợ tá tí hon của cô giáo, hướng dẫn và chăm sóc các em nhỏ. Những tình cảm tích cực sẽ được nảy sinh trong lớp, hạn chế những cảm xúc tiêu cực như sự so sánh, đố kị giữa những bạn nhỏ bằng tuổi mà có khả năng khác nhau. Một lớp học có nhiều độ tuổi như một xã hội thu nhỏ, khiến cho trẻ học cách sống hoà thuận với tất cả mọi người khi con tham gia vào các tương tác xã hội.
MÔI TRƯỜNG TRẬT TỰ, HÀI HÒA:
Các lớp học được thiết kế dựa trên yêu cầu của trẻ và phù hợp với trẻ, giáo cụ được thiết kế vừa tầm tay để trẻ có thể tự làm. Lớp học bố trí có trật tự nhất định và màu sắc hài hòa để trẻ học tập được tốt nhất. Tính trật tự là một trong những yêu cầu chính của phương pháp này, hướng đến sự ngăn nắp. Các giáo cụ được sắp xếp theo quy định để đáp ứng các nhu cầu hoạt động của trẻ dựa theo các giai đoạn nhạy cảm trong độ tuổi từ 0-6 tuổi.