☀️ Chuyên gia tâm lý học Irish Movido đã chỉ ra trí tuệ cảm xúc (EQ) chiếm tới 80% sự thành công của mỗi người. EQ dựa vào sự bồi dưỡng mà thành, chịu tác động bởi các nhân tố môi trường và con người xung quanh. Phát triển trí tuệ cảm xúc cho trẻ tức là giúp trẻ tăng khả năng thấu hiểu cảm xúc của người khác từ đó thúc đẩy sự hợp tác giữa người với người.
☀️ Chỉ số EQ cao sẽ giúp trẻ phát triển tốt khả năng giao tiếp, diễn đạt, hòa đồng với bạn bè, giúp trẻ thích ứng nhanh với cuộc sống. Điều này sẽ tạo cho trẻ một nền tảng tốt về nhân cách cũng như những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống để giúp trẻ có thể thành công vững chắc trong tương lai. Vậy làm thế nào để nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc cho trẻ, cha mẹ hãy tham khảo ngay 5 bí quyết này nhé !
1️⃣ Giúp trẻ hiểu được cảm xúc của mình
Trẻ con thường gặp khó khăn khi diễn tả những cảm xúc của mình. Cha mẹ hãy kiên nhẫn và mềm mỏng mỗi khi con gặp những vấn đề này. Hãy nói với con rằng cha mẹ thấu hiểu những gì con đang trải qua và hãy khuyến khích con gọi tên cảm xúc của mình. Điều quan trọng là bạn cần tạo ra một môi trường để khiến con cảm thấy an toàn và có thể tin cậy. Hãy dạy con rằng con không thể chọn cảm xúc cho mình, nhưng con có thể chọn cách để đối phó với những cảm xúc đó.
2️⃣ Đặt giới hạn cho hành vi, nhưng không đặt giới hạn cho cảm xúc
Bản chất tự nhiên của trẻ là bốc đồng và nếu không được kiểm soát chúng có thể trở thành một người lớn bốc đồng. Vì vậy, khi nhận thấy con cư xử không đúng mực, cha mẹ cần can thiệp trước khi con sử dụng bạo lực đối với chính mình hoặc người khác.
Mỗi khi can thiệp, cha mẹ có thể áp dụng phương pháp đèn giao thông. Đầu tiên, cha mẹ bảo con dừng lại, giống như lúc đèn đỏ bật lên. Tiếp theo là đèn vàng, đề nghị con nghĩ tới các giải pháp, hỏi con sẽ làm gì trong trường hợp này. Bước cuối cùng là đèn xanh, hướng dẫn con chọn phương án tốt nhất.
Bằng cách này, cha mẹ đang dạy con giải quyết vấn đề. Các nhà nghiên cứu nhận thấy việc dạy kỹ năng giải quyết vấn đề có thể cải thiện sức khỏe tâm thần cho trẻ.
3️⃣ Ghi nhận và khen ngợi những cố gắng, nỗ lực của trẻ
Việc cha mẹ công nhận nỗ lực chứ không phải là khen ngợi kết quả rất quan trọng đối với việc nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc của trẻ. Hãy cho con biết rằng chính sự kiên trì và chăm chỉ con dành để đạt được mục tiêu có ý nghĩa nhiều hơn thành tích của con.
4️⃣ Dạy trẻ về lòng thấu cảm
Trẻ ngay từ bé xíu đã có thể nhận biết về sự thấu cảm, dù chưa thực sự hiểu đó là gì. Ví dụ, các bé có thể khóc khi thấy bạn mình khóc, bởi vì dường như chúng cảm thấy được những gì các em bé khác đang trải qua. Nhưng khi lớn lên, trẻ sẽ nhận ra rằng những gì khiến người khác đau đớn chưa chắc đã làm mình cảm thấy buồn.
Đó là lý do vì sao cha mẹ cần dạy cho trẻ về lòng thấu cảm, dạy cho trẻ cách thiết lập mối liên hệ bằng cử chỉ và lời nói với người khác sẽ giúp cho trẻ trở thành một người tử tế, biết quan tâm và biết suy nghĩ về hành động của mình hơn. Cha mẹ có thể trò chuyện với con về những cuốn sách, những bộ phim hay. Hoặc khi con kể về chuyện của người khác, hãy xem nếu con ở trong trường hợp đó, con sẽ cảm thấy thế nào và con có thể làm gì để giúp bạn ?
5️⃣ Khuyến khích trẻ trò chuyện và biết lắng nghe
Ở nhà, cha mẹ hãy thường xuyên trò chuyện cởi mở, gần gũi với trẻ để con học cách kết nối và trao đổi thông tin với người khác, đồng thời dần hình thành thái độ tôn trọng đối với họ. Bằng cách này, cha mẹ đang giúp con nuôi dưỡng và phát triển trí tuệ cảm xúc.
Đặc biệt, cha mẹ cần tránh áp đặt suy nghĩ khi nói chuyện cùng con. Nếu có ý kiến trái chiều, hãy cùng con phân tích đúng sai. Khi trẻ được tiếp xúc với nhiều quan điểm, chúng trở nên linh hoạt hơn trong suy nghĩ, và dễ chấp nhận, khoan dung hơn với người khác cũng như với bản thân.
Mong rằng những chia sẻ trên sẽ hữu ích đối với mỗi bố mẹ trên hành trình nuôi dạy những em bé thông minh và hạnh phúc ?