TRẺ LUÔN TẬP TRUNG CAO ĐỘ
Trong một giờ học Montessori, học sinh sẽ được cung cấp khoảng không gian và thời gian để tự lựa chọn các bài học của mình. Trẻ sẽ được các cô quan sát và lên kế hoạch học hàng tuần riêng cho từng cá nhân. Cô giáo sẽ hướng dẫn con các sử dụng và thực hiện bài học mới, dựa theo giai đoạn nhạy cảm của con vào thời điểm đó. Sau đó, con sẽ được hoạt động những bài học mà mình yêu thích trong không gian riêng của con. Có những trẻ, khi con đang ở giai đoạn nhạy cảm với vận động tinh, con tập trung đến nỗi lặp đi lặp lại hoạt động sử dụng kéo trong nhiều ngày. Mỗi giờ Montessori, con lấy hoạt động sử dụng kéo ở góc Thực hành cuộc sống, thực hiện hết các cách cắt khác nhau như cắt đường thẳng, đường vòng cung, đường sóng uốn lượn, cho đến khi con thấy hài lòng và nở một nụ cười. Sự tập trung của con sẽ được hình thành trong quá trình con hoạt động tại lớp, từ đó con sẽ hướng tới sự tập trung của mình tới các hoạt động khác mà con hứng thú.
TRẺ ĐƯỢC NUÔI DƯỠNG SỰ TỰ TIN
Trong một lớp Montessori, các con sẽ được hoàn thành các kĩ năng của mình theo một lộ trình thuận theo tự nhiên. Điều này có nghĩa là, con sẽ cần hoàn thiện được các kĩ năng thực hành cuộc sống, tự lập, tự chăm sóc cho bản thân trước khi con đến với những bài học khác. Việc giúp con phát triển và nhuẫn nhuyễn phối hợp thân-tâm, sẽ khiến cho con trở thành một người độc lập. Con không cần dựa dẫm hay cần sự hỗ trợ từ cô giáo hay ngừơi lớn, khiến cho con cảm thấy tự tin vào bản thân mình, rằng con có thể chăm sóc cho bản thân, từ đó phát triển các năng lực khác. Ngoài ra, trong một lớp học Montessori, con được lựa chọn những bài học cô đã hướng dẫn, và được quyền lặp đi lặp lại những bài học khiến con tự tin và hứng thú. Việc tin rằng mình có thể giải quyết được những bài tập khó, cũng như kiểm soát được các giáo cụ, sẽ cho con niềm tim rằng con là một cá thể độc lập, có khả năng, và củng cố sự tự tin cho trẻ.
TRẺ TRỞ NÊN YÊU THÍCH TÍNH TRẬT TỰ, NGĂN NẮP
Theo phương pháp Montessori, mỗi trẻ từ 0-6 tuổi đều có một giai đoạn nhạy cảm về tính trật tự. Bố mẹ sẽ rất bất ngờ khi vào một thời điểm nào đó, các em bé của mình sẽ phát hiện ra mọi sự thay đổi có thể là nhỏ nhất trong gia đình, một cô giáo có thể nhìn thấy học sinh của mình cất giáo cụ về đúng chỗ cũ, đó là khi em bé ấy đang ở trong giai đoạn phát triển trật tự. Mỗi giáo cụ Montessori trong lớp đều được cô giáo sắp xếp gọn gàng và đúng theo quy định trên giá kệ. Qua đó, trẻ sẽ học được cách sắp xếp đồ dùng, giáo cụ đúng cách và ngăn nắp. Khi hoạt động một bài học Montessori, giáo viên sẽ hướng dẫn con theo một chu trình cố định, để con quan sát được cách cô sắp xếp giáo cụ, cách bê giáo cụ từ trên giá xuống nơi làm việc, cách cô hoạt động bài học theo trình tự và cuối cùng là quan sát cách cô cất giáo cụ về đúng chỗ trên giá. Ngoài ra, con còn được học các quy tắc ứng xử lịch thiệp nhã nhặn trong cuộc sống, quan sát và làm theo những quy tắc trong lớp học như chờ đợi bạn nói xong rồi mới đến lượt mình phát biểu, xếp hàng để đi rửa tay, hay luôn đi đằng sau lưng các bạn. Một em bé khi được sống trong môi trường có quy tắc, trình tự, con sẽ trở nên ngăn nắp, kỉ luật và yêu thích sự trật tự.
TRẺ LÀ MỘT CÁ THỂ CÓ TÍNH ĐỘC LẬP CAO
Trong một lớp Montessori, khi con đã đạt được những kĩ năng cơ bản trong góc Thực hành cuộc sống, con sẽ có khả năng tự làm được các hoạt động chăm sóc bản thân. Khi con được cô hướng dẫn bài tập, con có thể làm lại theo cô và sáng tạo trên chính những bài học đó. Việc con tự thực hiện được công việc mà không cần sự trợ giúp từ người lớn, sẽ khiến con có tính độc lập cao, trở thành một em bé chủ động, có khả năng tự quyết định, dứt khoát.
TRẺ HỌC ĐƯỢC QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA XÃ HỘI
Trong phương pháp Montessori, có một khái niệm đó chính là “Trí tuệ thẩm thấu”. Trí tuệ của em bé trong giai đoạn từ 0-6 tuổi sẽ vận hành như một miếng bọt biển. Miếng bọt biển đó thấm hút mọi thứ từ môi trường xung quanh. Trong giai đoạn từ 0-3 tuổi, con sẽ học từ môi trường xung quanh không có chọn lọc, con chưa biết phân biệt những hành động đúng sai, mà con sẽ có những hành vi giống với môi trường xung quanh. Trong giai đoạn từ 3-6 tuổi, trẻ sẽ thấm hút môi trường xung quanh có điều kiện, có nghĩa là con sẽ học từ môi trường một cách chọn lọc. Con đã có khả năng nhận định điều đó đúng hay chưa đúng.
Hiểu được tính chất đó, các cô giáo Montessori sẽ như một nhà lập pháp, thực thi các quy tắc trong lớp học. Các quy tắc đó không phải được viết trong một bản quy định nào đó, mà các quy tắc sẽ được thực hiện bởi chính các cô giáo hàng ngày. Việc cô giáo vào lớp, ngồi ngang tầm mắt chào các con, cô nói lời cảm ơn, xin lỗi với trẻ và đồng nghiệp, cô di chuyển ghế bằng hai tay, cô ngồi xuống sàn bằng cách nhẹ nhàng, khoanh chân, hay việc cô đến tận nơi, vỗ vai người mà mình muốn nói chuyện, sẽ được trẻ quan sát và thực hiện theo. Trẻ là tấm gương phản chiếu của người lớn, những người tiếp xúc với con hàng ngày. Vì vậy, khi bước vào lớp học Montessori, con sẽ được quan sát và học cách ứng xử lịch thiệp nhã nhặn, và con sẽ trở thành một người có các nguyên tắc sống chuẩn mực, hiểu các quy tắc ứng xử chung của xã hội.